KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ LÊ THANH NGHỊ


ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ LÊ THANH NGHỊ

I. KHÁI LƯỢC TIỂU SỬ VÀ QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG CHÍ LÊ THANH NGHỊ

Đồng chí Lê Thanh Nghị, tên thật là Nguyễn Khắc Xứng, sinh ngày 6/3/1911, trong một gia đình nho giáo, có truyền thống yêu nước, tại làng Thượng Cốc, nay thuộc xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.

Năm 16 tuổi, Nguyễn Khắc Xứng ra Hải Phòng làm thợ điện ở Nhà máy Điện Cửa Cấm. Sau khi bị thất nghiệp, cậu thanh niên Nguyễn Khắc Xứng ra vùng mỏ làm ở Nhà máy Điện Cọc 5, rồi trở về Vàng Danh làm phu mỏ. Tại đây, năm 1928, Nguyễn Khắc Xứng được đón nhận ánh sáng thời đại qua sách báo của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Năm 1929, đồng chí gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1930, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 5/1930, đồng chí bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam tại nhà tù Hải Phòng, tuyên án tù chung thân và đày ra Côn Đảo. Trong nhà tù, Đồng chí vẫn tiếp tục rèn luyện ý chí, phẩm chất của người cộng sản, học tập chủ nghĩa Mác, văn hoá và ngoại ngữ, chờ thời cơ trở về hoạt động.

Năm 1936, đồng chí Lê Thanh Nghị cùng một số chiến sĩ cách mạng được trả tự do, nhưng vẫn bị quản thúc tại quê nhà. Đồng chí đã xin làm ở Nhà máy nước Ninh Giang để có điều kiện tiếp tục hoạt động cách mạng. Không bao lâu sau, Đồng chí bắt được liên lạc với tổ chức Đảng, hoạt động bí mật ở Hải Dương và Hải Phòng, xây dựng nhiều cơ sở Đảng, tham gia Thành uỷ Hà Nội. Cuối năm 1937, Đồng chí được cử về hoạt động ở Hải Dương. Giữa năm 1939, Đồng chí công tác ở Xứ uỷ Bắc Kỳ, tham gia Ban Cán sự Liên tỉnh B.

Cuối năm 1939, đồng chí Lê Thanh Nghị bị bắt lần thứ hai, toà án thực dân kết án 5 năm tù, đầy tại nhà tù Sơn La. Đầu năm 1945, Đồng chí ra tù, được chỉ định vào Thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ. Ngày 9/3/1945, tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng, Đồng chí được giao trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng An toàn khu II (gồm Bắc Giang, Phúc Yên, Vĩnh Yên, Phú Thọ và một phần Thái Nguyên).

Tháng 4/1945, Đồng chí được cử làm Ủy viên thường trực Uỷ Ban Quân sự Bắc Kỳ, trực tiếp phụ trách chiến khu Trần Hưng Đạo (còn gọi là chiến khu Đông Triều).

Sau Cách mạng tháng Tám, đồng chí Lê Thanh Nghị là Xứ uỷ viên Xứ uỷ Bắc Kỳ, phụ trách miền duyên hải; năm 1946 là Thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ. Khi toàn quốc kháng chiến, Đồng chí làm Bí thư Khu uỷ khu III, kiêm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Khu III. Đầu năm 1948, đồng chí làm Phó Bí thư Liên Khu III, cuối năm 1948 được giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Cuối năm 1949, Đồng chí trở về làm Phó Bí thư Liên Khu uỷ Khu III.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (năm 1951), đồng chí Lê Thanh Nghị được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp làm Bí thư Liên khu uỷ, kiêm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Khu III và Chính uỷ Bộ Tư lệnh Liên khu III, năm 1953 - 1954 kiêm Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Cuối năm 1954, lần thứ hai Đồng chí được cử làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, cuối năm 1955, Đồng chí giữ chức Bộ Trưởng Bộ Công nghiệp. Tháng 10/1956, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10 mở rộng, đồng chí Lê Thanh Nghị được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị.

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ III và IV của Đảng, đồng chí Lê Thanh Nghị được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị. Năm 1960, Đồng chí được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Công nghiệp; năm 1967 kiêm Trưởng Ban Công nghiệp Trung ương. Từ năm 1974 đến năm 1980, Đồng chí tiếp tục làm Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước; năm 1980, được bầu làm Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng. Từ tháng 7/1981 đến tháng 12/1986, Đồng chí được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước. Đồng chí là đại biểu Quốc hội từ khoá II đến khoá VII. Ngày 16/8/1989, đồng chí Lê Thanh Nghị mất tại Hà Nội.

Gần 60 năm hoạt động cách mạng (1928-1986), đồng chí Lê Thanh Nghị đã luôn nỗ lực vượt mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Đồng chí đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, được công nhận là lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.

II. ĐỒNG CHÍ LÊ THANH NGHỊ VỚI SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG VÀ DÂN TỘC

1. Đồng chí Lê Thanh Nghị - người chiến sĩ cộng sản kiên trung của Đảng

Xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, căm ghét chế độ thực dân phong kiến, Lê Thanh Nghị sớm hình thành ý chí cách mạng, đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Tháng 6 năm 1926, Lê Thanh Nghị xuống Hải Phòng làm thợ điện ở Xưởng hóa chất Simi, rồi sau đó ra làm ở vùng mỏ Đông Bắc, đời sống của người công nhân giúp Lê Thanh Nghị càng hiểu rõ hơn nguồn gốc những đau khổ, bất công trong xã hội thực dân; được giác ngộ cách mạng, Lê Thanh Nghị đã gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên năm 1929 và tích cực hoạt động,  trở thành một trong những chiến sĩ cách mạng ưu tú trong phong trào công nhân vùng mỏ Đông Bắc.

Mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Lê Thanh Nghị trở thành đảng viên lớp đầu tiên của Đảng. Thời gian này, cao trào cách mạng những năm 1930 - 1931 lên cao, thực dân Pháp tăng cường đàn áp các cuộc đấu tranh, lùng bắt những cán bộ cốt cán. Tháng 5/1930, đồng chí Lê Thanh Nghị bị mật thám Pháp bắt. Chúng kết án Đồng chí bị tuyên án tù chung thân và đày ra Côn Đảo. Năm 1936, Đồng chí được ân xá và bị đưa về quản thúc tại quê nhà Hải Dương. Không quản hiểm nguy, Đồng chí lên Hà Nội bí mật tìm bắt liên lạc với tổ chức Đảng. Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban sáng kiến - cơ quan đóng vai trò như Xứ ủy lâm thời ở Bắc Kỳ, Đồng chí đã tích cực tham gia hoạt động khôi phục lại hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng ở Hà Nội, Hải Dương, góp phần vào phong trào cách mạng dân chủ sôi nổi trong những năm 1936-1939.

Giữa năm 1939, đồng chí Lê Thanh Nghị được Xứ ủy Bắc Kỳ cử tham gia Liên tỉnh ủy B (gồm Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An và vùng mỏ Quảng Ninh), được giao trực tiếp phụ trách tổ chức Đảng ở Hải Dương và vùng mỏ, Đồng chí đã chỉ đạo phát triển đội ngũ cán bộ làm nòng cốt cho sự phát triển của phong trào cách mạng ở khu vực này. Với những đóng góp quan trọng đối với phong trào cách mạng ở Hải Dương và vùng mỏ, giữa năm 1939, đồng chí Lê Thanh Nghị được Xứ ủy Bắc Kỳ điều lên Xứ ủy giúp việc đồng chí Bí thư Xứ ủy Hoàng Văn Thụ.

Cuối năm 1939, đồng chí Lê Thanh Nghị bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, chúng đưa Đồng chí ra tòa, kết án 5 năm tù, đày lên nhà tù Sơn La. Đầu năm 1945, đồng chí Lê Thanh Nghị được trả tự do, tiếp tục hoạt động cách mạng và được chỉ định vào Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ. Ngày 9/3/1945, tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng, Đồng chí được giao trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng An toàn khu II (gồm Bắc Giang, Phúc Yên, Vĩnh Yên, Phú Thọ và một phần Thái Nguyên). Dưới sự chỉ đạo của Đồng chí, chỉ trong thời gian ngắn, phong trào cách mạng ở các địa phương trong An toàn khu II, nhất là Bắc Giang phát triển mạnh mẽ, chính quyền cách mạng được thành lập ở nhiều xã. Tháng 4/1945, tại Hội nghị quân sự Bắc Kỳ, Trung ương Đảng quyết định thành lập Ủy ban Quân sự Bắc Kỳ - Bộ chỉ huy lực lượng vũ trang cách mạng khu vực phía Bắc và có nhiệm vụ giúp đỡ về quân sự cho toàn quốc, đồng chí Lê Thanh Nghị được cử làm Ủy viên thường trực Ủy ban quân sự Bắc Kỳ, trực tiếp phụ trách chiến khu Trần Hưng Đạo (còn gọi là chiến khu Đông Triều) - một trong 7 chiến khu cách mạng trên cả nước khi đó gồm một số tỉnh miền Duyên hải và Đông Bắc, đồng thời vẫn trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở Bắc Giang đến ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công.

2. Đồng chí Lê Thanh Nghị - một cán bộ lãnh đạo uy tín, tài năng của Đảng, Nhà nước

Sau ngày chính quyền cách mạng được thành lập, đồng chí Lê Thanh Nghị được cử phụ trách vùng duyên hải Bắc Bộ, trong đó có thành phố Hải Phòng. Bám sát đường lối, chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đồng chí đã tập trung chỉ đạo xây dựng chính quyền cách mạng, xây dựng đội ngũ cán bộ gắn bó với Nhân dân, chăm lo cho lợi ích của Nhân dân, đồng thời tích cực chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đồng chí Lê Thanh Nghị là Bí thư Khu ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến - hành chính khu III (gồm thành phố Hải Phòng, các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Kiến An). Tháng 1/1948, Liên khu III, gồm hầu hết các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, được thành lập, Đồng chí được cử là Phó Bí thư Liên khu ủy III. Tháng 2/1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Đồng chí được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được cử làm Bí thư Liên khu ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến - hành chính Liên khu III, Chính ủy quân khu III. Năm 1953-1954, Đồng chí được giao kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Trên các cương vị công tác này, Đồng chí luôn gắn bó mật thiết với Nhân dân, thường xuyên xuống cơ sở nắm bắt tình hình, tuyên truyền, động viên và đôn đốc, chỉ đạo phong trào cách mạng, góp phần xây dựng thành công thế trận chiến tranh nhân dân, vừa kháng chiến vừa kiến quốc ở địa bàn có ý nghĩa hết sức chiến lược. Dưới sự chỉ đạo của Đồng chí, dù thực dân Pháp luôn tìm cách đánh phá, bình định ác liệt song cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân các địa phương đồng bằng Bắc Bộ đã làm thất bại âm mưu của chúng, vừa bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng, vừa chi viện tích cực cho Trung ương ở liên khu Việt Bắc, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, đồng chí Lê Thanh Nghị được cử làm Bộ trưởng Bộ Công nghiệp. Tháng 10 năm 1956, Đồng chí được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị. Năm 1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Đồng chí được bầu lại vào Bộ Chính trị, sau đó được Quốc hội bầu làm Phó Thủ tướng Chính phủ. Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đồng chí được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao kiêm nhiệm nhiều công việc: Phụ trách ngành công nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước; phụ trách công tác thi đua - khen thưởng của Trung ương; phụ trách việc vận động các nước xã hội chủ nghĩa ủng hộ, giúp đỡ về vật chất, trang thiết bị cho cuộc kháng chiến của Nhân dân ta.

Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, tranh thủ sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, phụ trách chung về kinh tế và đặc trách về công nghiệp, Đồng chí đã chỉ đạo khôi phục và xây mới ở miền Bắc nhiều cơ sở công nghiệp nhẹ và công nghiệp nặng, như nhà máy Dệt Nam Định, Cao su Sao Vàng, Đường Vạn Điểm, Điện Yên Phụ, Cơ khí Trần Hưng Đạo, Gang thép Thái Nguyên.... Những cơ sở công nghiệp này vừa góp phần cung cấp sản phẩm, hàng hóa cho người dân, vừa tạo niềm tin vững chắc cho Nhân dân cả nước về sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng Chính phủ lo đáp ứng nhu cầu của các địa phương và nhất là quân đội, đồng chí Lê Thanh Nghị nhận thức rõ, để tăng cường sức mạnh cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, sự viện trợ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa là hết sức quan trọng. Đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Trung ương Đảng, Chính phủ giao là dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Việt Nam sang thăm Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa để Đảng, Chính phủ và nhân dân các nước bạn hiểu rõ hơn về cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, ủng hộ cả về vật chất và tinh thần cho cuộc kháng chiến.

Được giao kiêm nhiệm cả công tác thi đua - khen thưởng Trung ương, đồng chí Lê Thanh Nghị xác định trước hết tự mình phải là tấm gương thi đua yêu nước để động viên, thuyết phục những người khác tham gia thi đua và đã thực hiện tốt điều đó. Đồng chí thường xuyên xuống cơ sở nắm bắt thực tiễn phong trào thi đua yêu nước ở các địa phương, các ngành, từ đó kiến nghị với Đảng, Nhà nước những chủ trương đúng đắn về phong trào thi đua yêu nước.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi (1975), cùng Trung ương Đảng và Chính phủ, đồng chí Lê Thanh Nghị tiếp tục tham gia lãnh đạo Nhân dân cả nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược bảo vệ vững chắc Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Năm 1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, Đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, tiếp tục được cử phụ trách chung về kinh tế và đặc trách về công nghiệp. Đầu năm 1980, Đồng chí được cử làm thường trực Ban Bí thư. Trên cương vị công tác mới, Đồng chí thường trăn trở về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta - một nước nông nghiệp lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá trong thời gian dài; không ngừng chú trọng nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn xây dựng kinh tế, đặc biệt là ngành công nghiệp nước nhà.

Năm 1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí Lê Thanh Nghị tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sau đó được Quốc hội cử làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhà nước. Lúc này, tuy sức khỏe đã giảm sút nhưng Đồng chí vẫn dành nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu, tìm hiểu công tác Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Ngoài những công việc thường xuyên như xem xét, dự thảo và thông qua nội dung các chương trình nghị sự tại các kỳ họp của Hội đồng Nhà nước, Đồng chí còn giúp Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh xây dựng một số luật và pháp lệnh về quản lý kinh tế, xã hội. Đồng chí cũng thường xuyên đến thăm và làm việc với các địa phương, nhất là những nơi căn cứ cách mạng trước đây, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, từ đó kiến nghị với Đảng và Chính phủ ban hành những chính sách quan tâm thiết thực đến đời sống đồng bào những nơi này.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng lâu dài của mình đồng chí Lê Thanh Nghị được Đảng, Nhà nước giao cho nhiều trọng trách. Dù ở bất cứ trên cương vị nào, dù trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nào, Đồng chí cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong suốt những năm kháng chiến gian khổ, Đồng chí đã cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng cùng Bộ Chính trị lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giành độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc.

III. ĐỒNG CHÍ LÊ THANH NGHỊ - NGƯỜI HỌC TRÒ GƯƠNG MẪU CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

1.Tấm gương mẫu mực, trung với Đảng, hiếu với dân

Gần 60 năm kiên trung phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và cách mạng Việt Nam, đồng chí Lê Thanh Nghị đã nêu tấm gương sáng của người đảng viên Cộng sản, suốt đời trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Từ người yêu nước trở thành người chiến sĩ cộng sản, đồng chí Lê Thanh Nghị suốt đời phấn đấu cho mục tiêu là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, luôn chấp hành sự phân công của Đảng, đem hết trí tuệ, tài năng và tìm cách hoàn thiện năng lực bản thân để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ Đảng giao trên nhiều cương vị khác nhau.

Đồng chí Lê Thanh Nghị hai lần bị thực dân Pháp bắt, bị tra tấn và đày ải tại những nhà tù của chế độ thực dân. Nhưng cả hai lần, Đồng chí đều giữ vững khí tiết của người chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất.

Ba mươi năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc, Đồng chí cũng luôn chấp hành kỷ luật của Đảng, sự phân công, điều động của tổ chức và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao với tinh thần đặt lợi ích của Đảng và dân tộc lên trên hết. Trong hoàn cảnh đất nước nghèo nàn lại bị chiến tranh tàn phá và trong bối cảnh hết sức phức tạp của quan hệ quốc tế, đồng chí Lê Thanh Nghị đã đem hết nhiệt huyết và khả năng để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần củng cố hậu phương miền Bắc vững chắc, nâng cao đời sống đem lại niềm tin cho Nhân dân về chế độ mới và tăng cường tiềm lực cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Khi đất nước thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng chí Lê Thanh Nghị luôn trăn trở, tiến hành nghiên cứu và tổng kết thực tiễn trong xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một nước lạc hậu lại bị chiến tranh tàn phá. Đồng chí đã góp phần quan trọng vào bước đầu đổi mới kinh tế trong nông nghiệp. Là người có nhiều đóng góp trong việc xây dựng, hoàn thiện luật pháp về quản lý kinh tế, xã hội khi tham gia công tác của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.

Dù trên cương vị nào, đồng chí Lê Thanh Nghị không chỉ nêu tấm gương “Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng” có hiệu quả mà còn luôn đặt lợi ích của Đảng và của Nhân dân lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân; hết lòng phục vụ Nhân dân, vì Đảng, vì Nhân dân mà đấu tranh, gương mẫu trong mọi việc.

2.Tấm gương không ngừng học tập, sáng tạo, đổi mới

Xuất thân là một công nhân, với trình độ văn hóa tiểu học, Đồng chí luôn tìm tòi, học hỏi để trở thành một cán bộ có trình độ, một cán bộ lãnh đạo chiến lược, vững vàng, kiên định. Thời kỳ hoạt động ở Hải Phòng, Đồng chí đã học anh em đồng nghiệp, tự học thêm văn hóa, ngoại ngữ để có thể đọc được tài liệu. Trong ngục tù đế quốc, Đồng chí đã cùng các chiến sỹ cộng sản biến “nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng” tổ chức học văn hóa, ngoại ngữ, lý luận, lịch sử, tác phẩm kinh điển Mác - Lênin, học qua tấm gương của các chiến sỹ cộng sản.

Mỗi khi được phân công thêm nhiệm vụ mới, Đồng chí lại học hỏi thêm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhất là khi được giao phụ trách công tác thi đua - khen thưởng, Đồng chí đã đọc và tìm hiểu thêm kinh nghiệm tổ chức phong trào thi đua của các địa phương trên cả nước. Khi được giao đi đàm phán viện trợ kinh tế, Đồng chí đã nghiên cứu, tìm hiểu khả năng kinh tế, khoa học, công nghệ của các nước để đưa ra yêu cầu phù hợp với từng nước và để xin viện trợ phù hợp...

3. Tấm gương về phong cách lãnh đạo tập thể, dân chủ, quần chúng

Đối với đồng chí Lê Thanh Nghị, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đồng chí luôn giữ vững nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Trong các cuộc họp của Bộ Chính trị, Đồng chí chuẩn bị báo cáo ngắn gọn, nêu các vấn đề cơ bản để Bộ Chính trị cho ý kiến, trên cơ sở ý kiến Bộ Chính trị, Đồng chí tiếp tục đưa ra bàn trong tập thể lãnh đạo, tạo nên sự đồng thuận, đoàn kết trong lãnh đạo, từ đó xây dựng kế hoạch triển khai.

Đồng chí có phong cách làm việc dân chủ, cởi mở, biết lắng nghe, biết lựa chọn nhiều ý kiến khác nhau để đưa ra những ý kiến khả thi nhất. Đồng chí luôn bình tĩnh, thận trọng, thẳng thăn đi liền với ý thức tổ chức kỷ luật cao. Chính phong cách làm việc đó đã mang lại sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, mang lại nhiều thành quả trong công tác.

Trong công tác cán bộ, Đồng chí luôn công tâm, khách quan, biết quý trọng mọi tài năng, dùng người đúng việc, không có thành kiến, thiên vị, giúp cán bộ biết phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu. Về đề bạt cán bộ, căn cứ vào hiệu quả công việc, vào việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vào việc giữ vững kỷ luật, phẩm chất đạo đức cách mạng, vào đoàn kết nội bộ mà đề bạt, cất nhắc cán bộ.

Đồng chí có phong cách lãnh đạo quần chúng, luôn đặt lợi ích quần chúng lên trên, lên trước, sẵn sàng hy sinh lợi ích của cá nhân, chăm lo cho quần chúng cả về vật chất và tinh thần, luôn đi sâu, đi sát với quần chúng. Đồng chí luôn nêu gương trong mọi công việc, nói ít làm nhiều, nói đi đôi với làm. Làm bất cứ việc gì, Đồng chí không nghĩ đến mình trước mà luôn nghĩ tới đồng bào, đồng chí. Đồng chí luôn quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, thường có những chuyến đi khảo sát thực tiễn đến các nhà máy, các địa phương, vùng biên giới, thăm hỏi, động viên anh chị em công nhân, bà con nông dân, khuyến khích, động viên Nhân dân phấn đấu thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao.

 

4. Tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, khiêm tốn, giản dị

Trên cơ sở tiếp thu truyền thống đạo đức của dân tộc, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Thanh Nghị đã thấm nhuần các chuẩn mực đạo đức của người cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Trong kháng chiến gian khổ, khốc liệt, cũng như trong thời bình, Đồng chí vẫn giữ nếp sống giản dị, trong sạch, trung thực, liêm khiết, gắn bó với Nhân dân, với cán bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước đã tin tưởng trao cho đồng chí Lê Thanh Nghị chịu trách nhiệm chính về các vấn đề kinh tế của đất nước, bao gồm nhiệm vụ bảo đảm đời sống của Nhân dân, phát triển kinh tế ở miền Bắc, cũng như kinh tế quân sự (vũ khí, quân trang, quân dụng, khí tài thông tin liên lạc, vận tải..) cho cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc và chi viện cho miền Nam. Bên cạnh đó, với bản lĩnh kiên định, bình tĩnh, Đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng cử làm người thay mặt Đảng, Nhà nước làm công tác kinh tế đối ngoại và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đồng chí Lê Thanh Nghị là tấm gương tiêu biểu của một người cộng sản ưu tú, trọn đời tận tụy, cần kiệm, liêm chính, khiêm tốn, giản dị, gần gũi với đồng bào, đồng chí, là một tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo. Đồng chí đã để lại cho Đảng ta, Nhân dân ta và quân đội ta một tấm gương về tinh thần tận tụy hy sinh vì cách mạng, vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về phẩm chất cách mạng cao quý, về lối sống giản dị, về đức tính đôn hậu và tình thương yêu cán bộ, đồng chí đã sống tròn tình nghĩa thủy chung.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lê Thanh Nghị, là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của Đồng chí đối với Đảng và đất nước; qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân tích cực thi đua học tập, lao động, công tác và chiến đấu góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG - TỈNH ỦY HẢI DƯƠNG