Lịch sử thành lập Trường


Kể từ năm 1885, sau triều đình Huế ký hiệp ước Pantenotre với thực dân Pháp, Bình Thuận là tỉnh cuối cùng ở phía Nam còn được coi là lãnh thổ của nước An Nam nằm dưới quyền "bảo hộ" của nước Pháp, kế cận với đất Nam Kỳ là "nhượng địa" cho Pháp. Nhân dân Bình Thuận cần cù, chuộng thực tế "văn chương không bằng xương cá mòi" nhưng cũng có truyền thống coi trọng việc học. Không phải ngẫu nhiên mà để xa lánh miền đất lục tỉnh "nay đà chia đất khác", nhà nho yêu nước Nguyễn thông đã tìm đến mảnh đất nhỏ bên bờ sông Cà Ty làm nơi "tị địa". Cũng không phải ngẫu nhiên, vào giữa thập niên thứ nhất của thế kỷ XX, nơi mảnh đất ấy đã hình thành "Dục Thanh học liệu", ngôi trường mà trên con đường cứu nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ghé lại dạy học một thời gian trong năm 1910. Theo ý kiến nhiều người, trường Dục Thanh cũng là một kiểu "Đông Kinh Nghĩa Thục", mở ra nhằm nâng cao dân trí, bồi dưỡng cho thanh niên tinh thần tự lực tự cường.

Thế mà, kể từ sau nền Hán học đã cáo chung, Thực dân Pháp cho mở một số trường học mới, nhưng thực hành chính sách ngu dân, trừ 3 thành phố lớn : Hà Nội, Huế, Sài Gòn, ở các tỉnh chỉ có trường tiểu học. Trong hàng mấy chục năm trời, ở Phan Thiết chuyện học lên đến bậc trung học chỉ là "đặc quyền" của một số con em nhà khá giả. Sau khi cầm được mảnh bằng tiểu học, ai còn muốn tiếp tục học lên, thì phải vào Sài Gòn, hoặc ra tận ngoài Huế. Con em nhà nghèo hoặc là vào loại "thường thường bậc trung" dù có học giỏi hay hiếu học đến mấy, cũng đành coi bậc tiểu học như là tầm trí thức cao nhất của mình rồi.

Cuộc Cánh mạng Tháng Tám đập tan ách thuộc địa của Thực dân Pháp chưa được bao nhiêu ngày thì cuộc chiến tranh xâm lược của chúng một lần nữa đè nặng lên cuọc sống của nhân dân Bình Thuận. Nằm trong vòng chiếm đóng của Pháp, cho đến giữa năm 1952, Bình Thuận nói chung, Phan Thiết nói riêng, cũng chưa có lấy một trường trung học. Đây thực là một điều bức xúc đối với mọi người, càng bức xúc đối với những ai có chút lòng lo nghĩ đến quê hương xứ sở.

Chính vì thế mà trong những năm 1952 - 1952, những "chút lòng ấy" đã cùng nhau họp lại, quyết tính đến chuyện mở trường, một mặt vừa làm thủ tục xin phép, một mặt chọn mượn địa điểm, phòng học, tìm người giảng dạy ....

Thế rồi, khi các trường học bước vào năm học mới 1952 - 1953 thế hệ học sinh đầu tiên của trường Trung Học Bình Thuận cũng nô nức đến trường, đánh dấu sự khai sinh ngôi trường Trung học công lập đầu tiên trên đất Phan Thiết của Tỉnh Bình Thuận. Gọi là Trường Trung Học, thực chất là chỉ có hai lớp Đệ Thất (tương đương với lớp 6 bây giờ), học trong hai phòng học nhờ của một trường tiếu học (Trường Tiểu học Đức Thắng B).